Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là sự rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Phụ nữ bị PCOS có thể có chu kỳ kinh nguyệt không thường xuyên hoặc kéo dài, hoặc lượng nội tiết tố nam (androgen) dư thừa. Cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang để phòng bệnh hiệu quả cũng như chữa bệnh an toàn.
Hiện nay, nguyên nhân buồng trứng đa nang vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học. Chưa có nghiên cứu chuyên sâu tìm ra lý do chính xác gây ra căn bệnh này. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng những yếu tố sau có thể đóng vai trò là nguy cơ gây bệnh PCOS.
Contents
1. Di truyền – Nguyên nhân buồng trứng đa nang phổ biến
Yếu tố di truyền được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng buồng trứng đa nang. Theo thống kê, hơn 50% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh PCOS có người thân trong gia đình cùng giới tính bị bệnh này. Nghĩa là, nếu bà, mẹ, dì, hoặc chị em gái của bạn bị buồng trứng đa nang, nguy cơ bạn có thể mắc hội chứng này là rất cao.
Lời khuyên dành cho những phụ nữ có người thân bị PCOS là nhanh chóng đi khám bệnh để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, phụ nữ nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và chú ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể liên quan đến đa nang buồng trứng.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những gene cụ thể liên quan đến căn bệnh này để có thể tìm ra cách khắc phục và phương pháp chữa trị phù hợp.
2. Kháng insulin
Nếu tình trạng kháng insulin xảy ra, phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh buồng trứng đa nang. Kháng insulin được xem là nguyên nhân gốc rễ gây ra buồng trứng đa nang. Tình trạng này xảy ra khi các mô của cơ thể chống lại tác động của insulin. Nghĩa là, các tế bào của cơ thể sẽ ngừng phản ứng bình thường với insulin, thay vào đó, ngăn chặn sự xâm nhập của glucose vào tế bào. Lúc này, cơ thể đang không sử dụng hiệu quả lượng insulin có sẵn để giúp mức đường huyết ổn định.
Bởi vì insulin không hoạt động hiệu quả, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản xuất nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin cao hơn làm tăng sản xuất nội tiết tố androgen (như testosterone) trong buồng trứng. Lúc này, androgen làm ức chế quá trình hình thành và cản trở sự phát triển của các nang trứng. Khi đó, khả năng rụng trứng của phụ nữ bị suy giảm, và có thể dẫn đến tình trạng khó thụ thai, thậm chí là vô sinh. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến bệnh buồng trứng đa nang phát triển.
Ngoài ra, khi nồng độ insulin quá cao cũng làm tăng chuyển đổi nội tiết tố nam androgen và nội tiết tố nữ estrogen, làm xáo trộn sự cân bằng giữa hai loại tiết tố này (rối loạn nội tiết tố), từ đó dễ gây ra các vấn đề như u nang hoặc đa nang buồng trứng.
3. Dư thừa androgen là nguyên nhân trực tiếp gây buồng trứng đa nang
Androgen, còn được gọi là nội tiết tố nam, bình thường có ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, mức độ hormone androgen ở nữ giới thấp hơn nhiều so với nam giới. Tất cả phụ nữ đều sản xuất một lượng nhỏ nội tiết tố androgen trong các mô cơ thể, bao gồm cả trong buồng trứng và tuyến thượng thận.
Như đã đề cập ở trên, việc dư thừa hormone androgen ngăn cản buồng trứng giải phóng trứng (rụng trứng), gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều. Sự rụng trứng không thường xuyên có thể dẫn đến các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng phát triển trong buồng trứng. Vì thế, dư thừa androgen được xem là nguyên nhân trực tiếp của buồng trứng đa nang. Ngoài ra, lượng androgen cao bất thường cũng dẫn đến rậm lông, rụng tóc và mụn trứng cá. Cần lưu ý rằng, kháng insulin không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến dư thừa androgen.
4. Viêm cấp thấp
Viêm cấp thấp cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang. Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả quá trình sản xuất các chất của tế bào bạch cầu nhằm chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm cấp độ thấp có thể kích thích sản xuất nội tiết tố androgen, làm cản trở quá trình rụng trứng, tăng nguy cơ mắc PCOS. Ngược lại, khi bị buồng trứng đa nang, một số loại viêm cấp độ thấp cũng có thế khiến cho buồng trứng của bệnh nhân sản xuất bất thường androgen, gây ra các vấn đề về tim mạch.
Phụ nữ bị PCOS thường bị tăng mức độ viêm trong cơ thể, và có xu hướng bị viêm cấp độ thấp mãn tính. Tình trạng thừa cân cũng có thể góp phần gây viêm. Các nghiên cứu đã chứng minh có sự liên kết giữa tình trạng viêm quá mức với mức androgen cao hơn.
Để xác định mức độ viêm trong cơ thể, cần thực hiện các xét nghiệm máu để đo mức độ protein phản ứng C (CRP) và tế bào bạch cầu.
5. Sự mất cân bằng hormone
Một nguyên nhân buồng trứng đa nang khác là sự mất cân bằng các loại hormone bên trong cơ thể. Rối loạn nội tiết tố, cụ thể là tăng cao nồng độ hormone sinh dục (LH của tuyến yên, estrogen, androgen) tạo ra những thay đổi mô học khiến buồng trứng có một lớp vỏ dày và chắc. Tình trạng rối loạn này còn làm cho buồng trứng to ra, xuất hiện nhiều nang nhỏ, nang không thể trưởng thành và không có hiện tượng phóng noãn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh buồng trứng đa nang.
Nhiều phụ nữ bị PCOS được phát hiện là có sự mất cân bằng trong một số nội tiết tố, bao gồm:
- Tăng mức testosterone. Đây là một loại hormone thường được coi là hormone nam, mặc dù phụ nữ đều sản xuất một lượng nhỏ hormone này.
- Tăng nồng độ hormone tạo hoàng thể (LH). Chất này kích thích sự rụng trứng, nhưng có thể có tác động bất thường đến buồng trứng nếu nồng độ quá cao.
- Nồng độ globulin gắn kết hormone sinh dục (SHBG) thấp. Đây là một loại protein trong máu liên kết với testosterone và làm giảm tác dụng của nó.
- Tăng mức prolactin (chỉ ở một số phụ nữ bị PCOS). Prolactin là một loại hormone kích thích các tuyến vú sản xuất sữa trong thai kỳ.
Lý do chính xác tại sao những thay đổi nội tiết tố này xảy ra vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có ý kiến cho rằng vấn đề có thể bắt đầu từ chính buồng trứng, trong các tuyến khác sản xuất các hormone này hoặc ở phần não kiểm soát việc sản xuất chúng. Những thay đổi này cũng có thể do tình trạng kháng insulin.
6. Thừa cân
Không thể phủ nhận mối quan hệ giữa thừa cân, béo phì và tình trạng kháng insulin gây ra PCOS. Việc có cân nặng trên mức hợp lý làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin. Đây cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển buồng trứng đa nang, đồng thời cũng là triệu chứng của căn bệnh này. Không những thế, cân nặng dư thừa còn làm tăng cả các hormone khác gây ra các hội chứng đa nang buồng trứng.
Những phụ nữ thừa cân thường tích trữ lượng mỡ nhiều, đặc biệt là ở vùng bụng. Điều này khiến cơ thể phải sản sinh thêm insulin để chuyển hóa chất béo. Khi đó, tình trạng dư thừa insulin sẽ diễn ra, làm tăng nguy cơ kháng insulin. Chính vì thế, phụ nữ thừa cân, béo phì dễ mắc hội chứng buồng trứng đa nang hơn cả. Tuy nhiên, PCOS vẫn có thể xảy ra ở cả những phụ nữ gầy hoặc cân đối.
7. Chế độ ăn uống không hợp lý
Một chế độ ăn quá nhiều tinh bột cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra PCOS. Khi con người ăn tinh bột, hệ tiêu hóa sẽ chuyển hóa thành các phân tử đường phức tạp khác nhau, sản sinh ra glucose. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều tinh bột, cơ thể sẽ dư thừa lượng glucose cần có. Điều đó khiến tuyến tụy phải sản xuất ra nhiều insulin hơn, có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Khi đó, nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ gia tăng.
Một lối sống lành mạnh với thực phẩm bổ dưỡng và hoạt động thể chất có thể giúp ngăn ngừa buồng trứng đa nang ở phụ nữ, đồng thời còn hỗ trợ điều trị PCOS và cải thiện các triệu chứng của bệnh này.
Hy vọng qua những yếu tố gây bệnh PCOS được nêu trong bài, chị em phụ nữ có thể hiểu được nguyên nhân gây ra buồng trứng đa nang, từ đó tìm cho bản thân cách phòng bệnh, chữa bệnh phù hợp.